image banner
Truyền thống văn hóa

Nói đến Long Hoà, ai cũng nghĩ ngay đến Rạch kiến, một địa danh xưa ở Nam Bộ. Sự thật, Rạch Kiến chỉ là một đoạn của Rạch Đôi Ma chảy qua xã Long Hoà ngày nay. Nối tiếp dòng chảy của Rạch Kiến cho đến ngọn cùng được gọi là Rạch Bà Tượng. Vì thế Rạch Kiến gắn chặt với Rạch Đôi Ma, nơi xảy ra chuyện tình của một đôi trai tài gái sắc hồi thế kỷ XVIII. Năm 1907, ông Thượng Tân Thị đi qua Rạch Kiến, nghe truyền thuyết về rạch Đôi Ma đã cảm tác viết nên bài thơ:

Trải qua Rạch Kiến ác chính chính

Nghe nói Đôi Ma bắt lạnh mình

Thảm nỗi con nhà sanh bất hiếu

Ngán cho giọt nước khiến vô tình

Sống thế chưa vẹn duyên kim cải

Thác nguyện cùng theo chốn thủy tinh

Ai hỡi hồn thiêng như có biết

Tiếng đời lượn sóng nổi linh đinh.

Về địa danh Rạch Kiến, có 2 cách giải thích, thuyết thứ nhất cho rằng từ thời khẩn quang lưu dân đến đây thấy có nhiều kiến vàng làm tổ trên những lùm cây hoang dại nên gọi đoạn rạch đi qua là Rạch Kiến. Thuyết thứ hai kể rằng, ngày xưa có người đàn bà tên Kiến đến sống ở bên con rạch nên dân gian truyền lại gọi là rạch Bà Kiến. Dần dần theo tập quán ưa ngắn gọn của người Nam Bộ, người ta bỏ chữ bà và chỉ gọi là Rạch Kiến. Dù giải thích theo cách nào đi nữa thì từ tên một con rạch, địa danh Rạch Kiến dần dần được hiểu là tên gọi của một vùng đất. Hiện tại, Rạch Kiến tuy chỉ là một thị tứ năm cạnh tỉnh lộ 18 và con rạch cùng tên, nhưng từ lâu, địa bàn này đã đóng vai trò trung tâm của vùng thượng Cần Đước.

Địa danh Rạch Kiến chính thức được nhà bác học Lê Quý Đôn ghi nhận lại từ lời của cai bạ dinh Long Hồ là Nguyễn Khoa Thuyên (vào năm 1776) như sau: ... “ba trại Bả Canh, Ba Lai, Rạch Kiến có 100 thôn, số dân 4.000 đinh, số ruộng hơn 4.000 thửa".

Như vậy, vào thể kỷ XVIII Rạch Kiến đã là đơn vị hành chính cấp trại ở Gia Định. Như được biết, từ thể kỷ XVI-XVII, Vùng đất Nam Bộ ngày nay đã có những lưu dân người Việt gồc gác ở miền Bắc, miền Trung vào khai phá. Năm l698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lấy đất Nông Nại lập phủ Gia Định, gồm hai huyện Tân Bình và Phước Long. Lúc bây giờ vùng Rạch Kiến ngày nay thuộc tổng Phước Lộc, huyện Phước Long. Năm 1779, Nguyễn Ánh cắt tổng Phước Lộc về địa giới huyện Tân Bình. Tuy nhiên, vùng Rạch Kiến lúc ấy còn hoang vu và cách xa hai trung tâm ở Gia Định là Sài Gòn và Biên Hòa. Để khuyến khích dân chúng khai khẩn đất hoang, nhà cầm quyền đã đặt ra quy chế rộng rãi, cho phép lưu dân khởi lập thành thôn ấp, chỉ cần vài người đại diện chịu trách nhiệm là có thể lập thành trại, thuộc, nậu đê cùng phá rừng làm ruộng. Đứng đầu những tổ chức này là cai trại, hộ trưởng hay đầu nậu. Rạch Kiến chính là một trại trong số đó. Dân các trại, thuộc, nậu không cần phải nộp thuế ở Biên Hòa hay Sài Gòn mà chỉ cần nộp tiền hoặc thóc ở một trong chín khố trường biệt nạp (kho thâu thuệ) như sau: Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Gian Thảo, Hoàng Lạp, Tam Lịch, Bả Canh, Tân Thạnh. Trại Rach Kiến cùng với trại Bả Canh và trại Ba Lai dần dần phát triển, trở thành một khố trường quy tụ đến 100 thôn, 4.000 đinh, canh tác 4.000 sở ruộng đến nộp thuế - như ghi nhận của cai bạ Nguyễn Khoa Thuyên vào năm 1776. Số liệu cũ cho thấy, những điểm có đặt kho thu thuế này dần dần phát triên thành điểm tập trung dân cư đông đúc từ rất sớm. Nhà cầm quyên lúc bấy giờ cũng đã đặt sở thu thuế đầm hồ tại Rạch Kiến. Theo Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục, các sở Rạch Tra, Rạch Kiến, Rạch Tràm hàng năm tiền thuế đến 36 quan. Vì thế, có thể nói, ngay từ thế kỷ XVIII, Rạch Kiên đã là một trung tâm quan trọng, đông đúc dân cư ở tổng Phước Lộc. Về mức độ phát triển kinh tế nông nghiệp của vùng này, có thể tham khảo qua ghi chép của Phủ Biên Tạp Lục: “Người giàu ở theo từng địa phương hoặc 40, 50 nhà hoặc 20, 30 nhà, mỗi nhà, số điền nô đến 50, 60 người, trâu bò 300, 400 con, cày bừa, cấy gặt rộn ràng không rỗi. Hàng năm đến tháng 11, 12 thường giã thành gạo, bán lấy tiến ăn tết. Từ tháng Giêng trở đi không làm công việc xay giã nữa". Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, đây chính là cảnh quang kinh tế của vùng Cần Đước, Rạch Kiến, Gò Công, quanh chợ Mỹ Tho.

Vì thể có thể nói rằng trong giai đoạn này Rạch Kiến chính là một trong những trung tâm sản xuất lúa gạo của đất Gia Định, Câu thành ngữ "Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai" chắc hẳn đã xuất hiện từ bối cảnh đó.

Về nguồn gốc của những lưu dân đầu tiên khai phá đất Gia Định, trong đó có Rạch Kiến, tác giả của Phủ Biên Tạp Lục viết: “Họ Nguyễn lấy được đất ấy (Gia Định) rồi chiêu mộ những dân ở các phủ Điện bàn, Quảng Nghĩa, Quy Nhơn xứ Quảng Nam di cư đến khai thác". Những lưu dân này vào Nam chủ yếu bằng đường biển, trên những chiếc ghe bầu. Họ vào cửa Soài Rạp, theo sông Vàm Cỏ Đông đến khai phá rừng hoang ở hai bên bờ rạch Đôi Ma và định cư đông nhất ở vùng chợ cũ Rạch Kiến ngày nay. Vùng đất mới tuy bao la, rộng lớn, đầy tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa chực chờ những người đi tiên phong “phá sơn lâm, đâm hà bá”. Thú dữ, bệnh tật, mất mùa có thể xoá sổ công lao khai khẩn mấy năm trường của một gia đình nông dân. Số ruộng ấy hoang hóa trở lại. Rồi một lớp lưu dân mới đến tiếp tục khai khẩn, nếu gặp các năm mưa thuận gió hòa, trúng mùa liên tiếp, họ định cư hẳn trên vùng đất mới. Quá trình ấy có thể lặp đi lặp lại hàng chục năm và dần dần, những xóm làng được lập nên ở vùng đất Rạch Kiến.

Năm 1779, Nguyễn Ánh bãi bỏ các Khố trường biệt nạp ở Gia Định. Vì thế, tổ chức trại Rạch Kiến cũng được bãi bỏ. Rạch Kiến lúc bấy giờ chỉ là một địa danh chỉ một ngôi chợ sầm uất và đông đúc dân chư ở vùng thượng Cần Đước. Trên vùng đất Rạch Kiến, các thôn ấp được thành lập. Theo tác phẩm Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, từ trước năm 1808, trên vùng đất của trại Rạch Kiến xưa, có 3 thôn được thành lập là: Long Hòa, Long Hòa Đông và Phước Hưng Đông. Trong đó chợ Rạch Kiến nằm trên địa phận của thôn Long Hòa. Năm 1808, để đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng Gia Định, vua Gia Long đã nâng tổng Phước Lộc lên thành huyện, huyện Tân Bình lên thành phủ, trực thuộc trấn Phiên An. Thôn Long Hòa, Long Hòa Đông và Phước Hưng Đông bấy giờ thuộc tổng Phước Điền, huyện Phước Lộc.

Năm 1832, vua Minh Mạng chia Nam Kỳ làm 6 tỉnh trực thuộc triều đình Trung ương, thành lập phủ Tân An, thuộc tỉnh Phiên An gồm 2 huyện: Thuận An và Phước Lộc. Đến năm 1836, sau khi bình định xong cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng đổi tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định và phái Trương Đăng Quế cùng Trương Tinh Giảng làm Khâm sai, tiến hành đo đạc ruộng đất, lập sổ địa bạ ở Nam Kỳ. Nhờ cuộc đạc điền năm 1936 của triều Nguyễn, mà ngày nay thể biết rõ ranh giới, diện tích ruộng đất của các thôn thuộc vùng Rạch Kiến một cách khái lược và cụ thể như sau:

* Long Hòa Đông thôn, ở xứ Nha Ràm Trung.

- Đông giáp thôn Long Đước, có lập cột gỗ làm giới.

- Tây giáp thôn Phước Hưng Đông, có lập cột gỗ làm giới.

- Nam giáp địa phận thôn Long Hòa, lấy rạch làm giới.

- Bắc giáp địa phận thôn Long Thanh, lấy rạch làm giới.

- Thực canh ruộng thảo điền: 193,160 (trước khai 7 sở, nay khám ra 31 sở, của 21 chủ điền).

- Dân cư thổ: 4.000

* Phước Hưng Đông thôn, ở xứ Nha Ràm Trung.

- Phía Đông giáp địa phận 2 thôn Long Hòa Đông, Long Hòa, lấy rạch làm giới.

- Tây giáp thôn An Thuận, có lập cột gỗ làm giới.

- Nam giáp phường Thạnh Hòa Trung, lấy rạch làm giới.

- Bắc giáp địa phận 2 thôn Long Thanh, Long Khê, đều có lập lấy cột gỗ làm giới.

- Thực canh ruộng thảo điền: 661-8-12 (trước 17 sở nay 55 sở của 34 chủ điền).

- Dân cư thô: 51.100 (7 sở).

- Mộ địa: 1 khoảnh.

* Thôn Long Hòa: bị mất địa bạ.

Lúc bấy giờ, cả thôn trên đều thuộc địa phận tổng Phước Điền Thượng, huyện Phước Lộc, phủ Tân An, tỉnh Gia Định.

Theo vị trí các thôn được miêu tả trong địa bạ năm 1836, thôn Phước Hưng Đông chính là phần đất phía tây rạch Ông Bộ của xã Long Hòa ngày nay. Phần đất phía đông rạch Ông Bộ là thôn Long Hòa Đông và Long Hòa, trong đó thôn Long Hòa Đông nằm về phía Bắc giáp xã Long Trạch, còn thôn Long Hòa nằm về phía nam giáp xã Tân Trạch và Thuận Thành.

Về số ruộng được khai khẩn, địa bạ cho biết, thôn Long Hòa Đông và Phước Hưng Đông đều là ruộng tốt (thảo điền). Thôn Phước Hưng Đông có 661 mẫu, 8 sào, 12 thước, đất thổ cư 5 mẫu, 1 sào, 10 thước. Tổng cộng cả hai thôn có 855 mẫu, 3 thước thảo điền và 9 mẫu, 1 sào, 10 thước đất thổ cư. Như vậy, chưa kể thôn Long Hòa (vì mất địa bạ), năm 1836 trên địa bàn xã Long Hòa ngày nay đã có khoảng 418 ha ruộng đất được khai phá”. Qua địa bạ, cùng biết được khái lược tốc độ khai phá và chiếm hữu ruộng đất ở hai thôn nói trên. Nếu như vào nữa thế kỷ XVII, thôn Long Hòa Đông và Phước Hưng Đông chỉ có 24 sở đất, thì năm 1836 hai thôn này lập đến 86 sở với 855 mẫu đất của 55 chủ điền, tính bình quân, mỗi chủ điền sở hữu khoảng 15 mẫu đất. Vì thế, có thể nói rằng vùng Rạch Kiến - Long Hòa tuy được lưu dân đến định cư từ lâu đời, nhưng khoảng 4 thập niên đầu của thế kỷ XIX là thời gian địa bàn này được khai khẩn mạnh mẽ nhất.

Sự kiện thực dân Pháp xâm lược và cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Kỳ vào giữa thế kỷ XIX đã phần nào ảnh hưởng đến tiến trình khai khẩn đất đai ở vùng Rạch Kiến - Long Hòa. Tuy nhiên, đến năm 1871, trên địa phận xã Long Hòa ngày nay đã có thêm 2 làng mới được thành lập là Phước Hưng và Phước Hạnh. Cả 2 làng này đều thuộc tổng Lộc Thành Thượng, địa hạt Chợ Lớn. Năm 1892, để tinh giản bộ máy hành chính cấp cơ sở, thực dân Pháp đã sáp nhập làng Phước Hưng và Phước Hạnh vào làng Phước Hưng Đông. Năm 1900, thực dân Pháp bãi bỏ cấp khu vực hành chính và quân sự, đổi tên địa hạt thành tỉnh. Các làng Phước Hưng Đông, Long Hòa Đông được sáp nhập vào làng Long Hòa. Từ thời điểm này, làng Long Hòa có ranh giới tương đương xã Long Hòa hiện nay. Vào đầu thế kỷ XX, chợ Rạch Kiến đã là một tụ điểm buôn bán sầm uất ở vùng thượng Cần Đước. Trong quyển Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca, xuất bản năm 1909, tác giả Nguyễn Liên Phong có ghi nhận:

Bình Tây, Rạch Cát ghe nhiều

Gò Đen, Rạch Kiến, Rạch Đào chợ sung.

Cùng với chợ Đào, chợ Rạch Kiến còn là trạm trung chuyển cá đồng của các ghe mua cá từ miền Tây về. Lúc bấy giờ, chợ Rạch Kiến có nhiều vựa sang lại cá của các ghe buôn rồi chở lên bán ở Sài Gòn - Chợ Lớn bằng xe ngựa.

Năm 1923, thực dân Pháp thành lập Sở đại lý (quận) Rạch Kiến, bao gồm 3 tổng: Lộc Thành Thượng, Lộc Thành Trung và Lộc Thành Hạ. Lỵ sở của Sở đại lý Rạch Kiến được đặt tại chợ Rạch Kiến, làng Long Hòa. Năm 1928, chính quyền thuộc địa đổi Sở địa lý Rạch Kiến thành Sở địa lý Cần Đước và dời lỵ sở về chợ Cần Đước.

Từ năm 1947 chính quyền cách mạng đổi quận thành huyện. Làng thành xã. Làng Long Hòa từ đó được gọi là xã Long Hòa. Năm 1956, ngụy quyền Ngô Đình Diệm thành lập tỉnh Long An (tỉnh Chợ Lớn và quận Châu Thành, Thủ Thừa của tỉnh Tân An thời thuộc Pháp) gồm 7 quận. Xã Long Hòa bấy giờ thuộc quận Cần Đước, tỉnh Long An. Năm 1967, ngụy quyền lấy 7 xã vùng thượng Cần Đước và xã Phước Lý của quận Cần Giuộc để thành lập quận Rạch Kiến. Quận lỵ của quận Rạch Kiến được đặt tại thị tứ Rạch Kiến thuộc xã Long Hòa.

Năm 1977, huyện Cần Đước được thành lập trên cơ sở sát nhập quận Rạch Kiến và quận Cần Đước của chế độ cũ (trừ xã Phước Lý được trả về Cần Giuộc). Từ đây, Long Hòa là một đơn vị hành chính cấp xã của huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Tin liên quan
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh