KHUYẾN CÁO PHÒNG CHỐNG BỆNH BẠCH HẦU
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu tại Nghệ An và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong nêu trên. Riêng tại Long An tính từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh Bạch hầu Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, Trạm Y tế xã Long Hoà tăng cường truyền thông để người dân cộng đồng biết được các dấu hiệu và nắm được các biện pháp phòng bệnh cụ thể như sau:
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Hiện nay, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Vi khuẩn bạch hầu tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.
Người bệnh thường đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, thời kỳ lây bệnh
có thể kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu
có thể từ vài ngày đến 3,4 tuần.
Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua
đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết
của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Vì vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.
Bệnh bạch hầu thường khởi đầu như một đợt cảm lạnh thông thường, viêm
họng, viêm amidan hay viêm thanh quản và cũng có thể biểu hiện như một bệnh
nhiễm trùng da.
Trẻ mắc bệnh bạch hầu sẽ bị viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Khi khám thấy có giả mạc. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc màu xám, dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Ca bệnh xác định chẩn đoán nhờ phân lập vi khuẩn bạch hầu dương tính từ mẫu bệnh phẩm lâm sàng lấy từ mô bệnh.
Hiện nay, đã có thuốc điều trị bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiến
triển, bệnh bạch hầu có thể gây biến chứng nguy hiểm cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỷ lệ 3% những người mắc bệnh bạch hầu, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: DPT-VGB-Hib (SII), Td đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Hạn chế tập trung nơi đông người, nếu đến nơi đông người cần đeo khẩu trang đúng cách. Thường xuyên lau rửa sàn nhà và các vật dụng bằng hóa chất diệt khuẩn thông thường.
4. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
5. Khi có sốt, ho, đau họng hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly, đeo khẩu trang và đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.
6. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Lịch tiêm chủng vắc xin SII trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.
Vân An – TYT xã